📚 Suy giãn tĩnh mạch chi dưới 📚

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn ra, mất khả năng co bóp hiệu quả và suy yếu chức năng đưa máu trở về tim, dẫn đến ứ đọng máu và tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch. Đây là bệnh lý mạn tính thường gặp, tiến triển chậm nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động nếu không được phát hiện, phòng ngừa và điều trị đúng cách.

Tỷ lệ mắc bệnh trong dân số dao động từ 10 – 35% , tăng dần theo tuổi và ở nữ nhiều hơn nam (gấp 2–3 lần). Bệnh thường gặp ở những người phải đứng lâu hoặc ngồi lâu (giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ làm tóc, bác sĩ phẫu thuật...) , phụ nữ mang thai, người béo phì, người ít vận động và người có tiền sử gia đình mắc bệnh tĩnh mạch.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:

💢Di truyền: Yếu tố di truyền là nguyên nhân hàng đầu, làm thành tĩnh mạch yếu từ nhỏ.

💢Nội tiết: Thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai, rối loạn hormone làm giãn thành tĩnh mạch.

💢Nghề nghiệp: Đứng/ngồi lâu gây ứ trệ tuần hoàn, tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới.

💢Tuổi tác: Càng lớn tuổi, độ đàn hồi thành mạch càng giảm.

💢Lối sống: Béo phì, hút thuốc lá, ít vận động làm tăng nguy cơ.

Cơ chế bệnh sinh:

🔺Hệ thống tĩnh mạch có chức năng dẫn máu từ các mô trở về tim, chống lại trọng lực – đặc biệt ở vùng chi dưới. Để thực hiện nhiệm vụ này, cơ thể sử dụng một cơ chế "bơm – van – hút" cực kỳ tinh vi, trong đó van tĩnh mạch đóng vai trò trung tâm.

🔺Tĩnh mạch chi dưới có các van một chiều nằm cách nhau khoảng vài cm. Van này chỉ cho máu chảy theo một chiều hướng lên tim, ngăn không cho máu trào ngược xuống khi cơ thể đứng hoặc ngồi. Khi cơ bắp chân co (ví dụ khi đi lại, vận động), máu được "bơm" lên tim, van phía dưới đóng lại để ngăn trào ngược. Cơ chế này được gọi là “bơm tĩnh mạch cơ – van”.

🔺Khi van tĩnh mạch bị tổn thương do các yếu tố như di truyền, thai kỳ, áp lực kéo dài, hoặc viêm mạch, van có thể bị hở, yếu hoặc giãn. Điều này khiến máu thay vì chảy ngược về tim sẽ bị tụ lại ở các đoạn thấp của chân , dẫn đến ứ máu và tăng áp lực tĩnh mạch nội tại.

🔺Khi máu bị ứ đọng, thể tích máu trong lòng tĩnh mạch tăng, làm giãn thành tĩnh mạch. Tĩnh mạch bị giãn ra sẽ làm các lá van không còn khả năng đóng kín, làm nặng thêm tình trạng trào ngược máu. Quá trình này tạo thành một vòng xoắn bệnh lý ác tính: van yếu hoặc hở → máu trào ngược xuống chi dưới → ứ đọng và tăng áp lực tĩnh mạch → kéo giãn thành mạch → giãn tĩnh mạch → các van khác bị kéo giãn → nhiều van bị suy hơn → máu càng ứ nhiều hơn → bệnh tiến triển nặng hơn.

Các yếu tố như đứng/ngồi lâu, ít vận động, béo phì, thai kỳ và tuổi cao làm nặng thêm vòng xoắn bệnh lý này.

Triệu chứng lâm sàng:

Diễn tiến của suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường âm thầm và kéo dài.

🔹Giai đoạn sớm (C0):

Nặng chân, mỏi chân: Xuất hiện sau khi đứng lâu, đặc biệt vào chiều tối , do máu bị ứ lại nhiều ở tĩnh mạch làm tăng áp lực.

Tê chân, cảm giác kiến bò, bứt rứt: Do máu ứ trệ ảnh hưởng đến nuôi dưỡng thần kinh ngoại biên.

Phù nhẹ vùng cổ chân (phù mềm): Phù tăng dần khi đứng lâu và giảm sau khi nghỉ ngơi kê chân cao.

Cảm giác nóng rát, ngứa ran vùng cẳng chân: Liên quan đến kích thích các đầu dây thần kinh bởi áp lực mạch tăng.

Lưu ý: Giai đoạn này chưa có biểu hiện giãn tĩnh mạch nhìn thấy.

🔹Giai đoạn tiến triển (C1-C6):

C1: Giãn mao mạch nhỏ (tĩnh mạch mạng nhện).

C2: Giãn tĩnh mạch thật sự (đường kính > 3mm), có mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da.

C3: Phù chân (phù mềm, không viêm).

C4: Thay đổi da như thâm sạm (do hồng cầu thoát mạch, vỡ ra giải phóng hemosiderin) , khô, viêm da, da mỏng, dễ trầy xước.

C5: Có loét đã lành.

C6: Có loét đang hoạt động. Loét tĩnh mạch thường xuất hiện quanh mắt cá trong, dai dẳng, lâu lành và hay tái phát.

Suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến biến chứng nặng nếu không được xử trí kịp thời:

❗Viêm tĩnh mạch nông: Viêm thành tĩnh mạch nông, thường kèm huyết khối nhỏ tại vị trí giãn. Triệu chứng: đỏ, sưng, đau, nóng, ấn vào cứng dọc đường tĩnh mạch. Nguy cơ lan rộng, gây viêm mô tế bào hoặc nhiễm trùng huyết.

❗Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): Hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Triệu chứng: sưng đột ngột một bên chân, căng cứng, đau sâu, nóng và da đổi màu. Biến chứng cấp tính là thuyên tắc phổi, cục máu đông di chuyển lên phổi gây tắc mạch, có thể dẫn đến khó thở, đau ngực, đột tử. Đây là tình trạng cấp cứu nội khoa.

❗Loét da mạn tính vùng mắt cá: Thường xuất hiện quanh mắt cá chân, đặc biệt là mắt cá trong. Vết loét nông nhưng rộng, dễ nhiễm trùng, khó lành và hay tái phát.

❗Biến dạng chi, rối loạn cảm giác, giảm vận động: Bàn chân có thể bị biến dạng, tê, mất nhạy cảm, lạnh đầu chi. Giảm khả năng đi lại, dễ té ngã, mất tự tin vận động

Phòng ngừa và trị liệu không dùng thuốc:

👉Phòng ngừa: Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, thay đổi tư thế thường xuyên. Gác chân cao khi nghỉ ngơi. Mang vớ y khoa theo chỉ định bác sĩ. Duy trì cân nặng hợp lý, không mặc quần bó chặt. Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, chất xơ.

👉Tập luyện: Đi bộ 20–30 phút mỗi ngày. Tập nhón gót – hạ gót giúp bơm máu lên tim. Đạp xe, bơi lội, yoga nhẹ

👉Massage trị liệu: Giúp cải thiện tuần hoàn, giảm ứ trệ máu. Làm giãn cơ, tăng vận động vùng chân. Hỗ trợ phòng ngừa biến chứng và tăng cường hồi phục sau can thiệp.

Nguyên tắc: Massage theo chiều từ cổ chân → bắp chân → đùi, từ xa đến gần tim. Kỹ thuật nhẹ nhàng, tránh day ấn mạnh trực tiếp lên tĩnh mạch nổi.

Quy trình cơ bản (30 phút):

Khởi động: Xoa vuốt nhẹ toàn bộ mặt trước – sau chân để làm nóng mô, tăng tuần hoàn da.

Vuốt dọc nhẹ: Từ cổ chân đến đùi theo hướng tuần hoàn, dẫn lưu máu về tim, kích thích hệ bạch huyết.

Day cơ nhẹ vùng bắp chân: Tập trung cơ sinh đôi, cơ dép, cơ mác ngoài để tăng co bóp cơ, hỗ trợ “bơm cơ” tự nhiên.

Kích hoạt bàn chân: Nhón gót nhẹ, kết hợp ấn các huyệt phản xạ Thận – Tỳ – Can để phối hợp tạng phủ, tăng vận chuyển dịch mô.

Kéo giãn nhẹ cổ chân – gót chân: Gập duỗi thụ động, phối hợp thở chậm để tăng lưu dẫn tĩnh mạch sâu – hỗ trợ gân cơ.

Kết thúc thư giãn: Vuốt dọc chân + khăn ấm hoặc bấm nhẹ huyệt Dũng Tuyền để gợi cảm giác nhẹ chân – thư giãn toàn thân.

Lưu ý quan trọng khi massage: Tránh áp dụng khi có viêm tĩnh mạch cấp, da đỏ – nóng – đau, loét da, da trầy, nhiễm trùng, hoặc có chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) vì dễ gây thuyên tắc phổi nguy hiểm. Không dùng tinh dầu gây nóng mạnh (quế, hồi...) vì gây giãn mạch quá mức – tăng nguy cơ vỡ mao mạch. Tần suất khuyến nghị là 2–3 lần/tuần. Nên kết hợp cùng vớ y khoa – bài tập chân tại chỗ – nâng cao chân khi nghỉ ngơi để đạt hiệu quả.

Các phương pháp hỗ trợ khác:

Thủy trị liệu: Dùng nước lạnh và ấm xen kẽ giúp co giãn mạch, tăng tuần hoàn.

Châm cứu – bấm huyệt: Tác động các huyệt Túc Tam Lý, Âm Lăng Tuyền, Huyết Hải giúp hỗ trợ tuần hoàn.

Dưỡng sinh – khí công: Tăng cường vận động nhẹ nhàng, cải thiện chức năng tạng phủ.

Tóm lại, suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh phổ biến, có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt. Các liệu pháp không dùng thuốc, đặc biệt là massage trị liệu chuyên biệt, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tuần hoàn, cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

______________________

Học Viện Đào Tạo HaDu Việt Nam - Đặt Tâm Vào Đôi Tay

📞Hotline: 02.422.211.919

🏘 BT3, lô 16A4, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

#hocmasssagetrilieu #hocduongsinhdongy #hocmassagecovaigay #daotaomassagetrilieu #daotaonghespa #Chungchispa #sachtrilieuhay #sachmeonhohuyet #daotaonghespa #spauytin #haduvietnam #AnCo #MiTu #hocthu

Bài viết cùng danh mục

CÔNG TY CỔ PHẦN HỌC VIỆN ĐÀO TẠO HADU VIỆT NAM

MST: 5200834241

Ngày cấp phép lần đầu: 21/12/2015 (Thay đổi đăng ký lần thứ 6 ngày 02/08/2024)

Địa chỉ: BT3/16A4 làng Việt Kiều Châu Âu, phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 02422211919